Cuối đời Biện_phu_nhân

Trong 4 người con của Biện thái hậu, người con lớn nhất là Ngụy Văn Đế Tào Phi; người con thứ 2 là Tào Chương, viên tướng có tài trong quân đội họ Tào; người con thứ 3 là Tào Thực nổi tiếng về văn thơ; người con thứ 4 là Tào Hùng chết trẻ, tự vẫn vì bất mãn Tào Phi[8].

Cuối đời, Biện Thái hậu chứng kiến cảnh bất hòa giữa 4 người con trai, chủ yếu là sự chèn ép các em của Tào Phi.

Tào Chương tuy được phong Vương nhưng không lâu sau bị triệu vào kinh thành Lạc Dương và tới năm 223 thì chết một cách đột ngột. Sách Ngụy Tấn thế thuyết cho rằng, khi Tào Chương cùng Tào Phi đánh cờ trong gác lầu của Biện thái hậu, bị Tào Phi cho ăn táo có độc. Người hầu mang nước đến cho Tào Chương uống bị Tào Phi sai đập vỡ bầu nước, Biện thái hậu vội đi chân không chạy ra giếng múc nước cho con thứ, nhưng không tìm được gàu múc. Vì vậy Tào Chương trúng độc qua đời[9]. Người con trai tài hoa là Tào Thực cũng bị Tào Phi giáng tước. Sau đó, dù được thăng lên tước Vương nhưng cũng bị người của Tào Phi giám sát chặt chẽ.

Năm Hoàng Sơ thứ 7 (226), Tào Phi qua đời khi mới 40 tuổi, con là Tào Duệ lên nối ngôi, tức là Ngụy Minh Đế. Biện thái hậu được tôn là Thái hoàng thái hậu. Bà đề nghị cháu nội Tào Duệ quan tâm tới người con út của Tào Tháo và người vợ thứ là Triệu cơ, tên là Tào Mậu (曹茂; tức là chú của Tào Tuấn). Ngụy Minh Đế bèn phong cho Tào Mậu làm Liêu Thành công (聊城公), sau cải phong Khúc Dương vương (曲阳王)[10].

Năm Thái Hòa thứ 4 (230), ngày 9 tháng 7, Biện thái hoàng thái hậu qua đời tại kinh thành Lạc Dương, thọ 71 tuổi. Tuy không phải vợ cả, xuất thân hèn kém nhưng bà lại là người vợ có danh vọng nhất của Tào Tháo. Bà được truy tôn là Vũ Tuyên hoàng hậu (武宣皇后) và hợp táng với Tào Tháo tại Cao Lăng (高陵).